Điều trị nhiễm trùng viêm nang lông phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ và phạm vi tổn thương. Ở một số trường hợp, tổn thương da có tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày hoặc vài tháng mà không cần can thiệp y tế.
Tuy nhiên đối với nhiễm trùng viêm nang lông do nấm, virus và vi khuẩn, bác sĩ thường đề nghị điều trị để cải thiện triệu chứng, hạn chế tổn thương da, ngừa thâm sẹo và phòng ngừa biến chứng.
Dưới đây là các cách xử lý khi bị nhiễm trùng viêm nang lông:
1. Sử dụng thuốc bôi và thuốc uống
Thuốc được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng viêm nang lông có công dụng giảm viêm đỏ, sát trùng, ức chế vi khuẩn, nấm và virus. Dựa vào mức độ thương tổn và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc bôi hoặc thuốc uống sau:
– Dung dịch sát khuẩn: Các dung dịch sát khuẩn như Chlorhexidine 4%, Hexamidine 0.1% và Povidon-Iod 10%
– Thuốc kháng sinh tại chỗ: thuốc mỡ Neomycin, thuốc mỡ Mupirocin, thuốc mỡ Axit fucidic, dung dịch Clindamycin, dung dịch Erythromycin
– Kháng sinh đường uống: Ciprofloxacin, Metronidazol, b-lactamin, Cephalosporin, Amoxicillin,…
– Thuốc bôi chứa Benzoyl peroxide để sát khuẩn, bong lớp sừng và tróc vảy da. Benzoyl peroxide được chỉ định trong trường hợp nhiễm trùng viêm nang lông ở mặt do sử dụng kháng sinh đường uống kéo dài.
– Thuốc kháng nấm: thuốc chống nấm dạng bôi như Canesten, Mycoster và Nizoral. Nhiễm trùng viêm nang lông do nấm xảy ra trên diện rộng hoặc xuất hiện ở da đầu, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng nấm đường uống (Itraconazol, Terbinafin, Fluconazol,…) trong 14 ngày để tiêu diệt hoàn toàn vi nấm và hạn chế nguy cơ tái nhiễm.
– Thuốc kháng virus: Thuốc kháng virus (Acyclovir) được dùng trong trường hợp nhiễm trùng viêm nang lông do virus herpes.
– Thuốc trị ký sinh trùng: kem bôi Permethrin hoặc thuốc bôi Metronidazole kết hợp với Metronidazole đường uống.