Gù Cột Sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

gù cột sống

Tổng quan bệnh Gù cột sống

Bệnh gù cột sống là hiện tượng bị biến dạng gù cột sống do ít nhất 3 đốt sống liên tiếp có góc gù thân đốt ≥ 5 độ gây nên. Hiện tượng cong này vượt quá mức quy định. Nếu cong hơn 45 độ được coi là nghiêm trọng và không bình thường.

Nguyên nhân gây bệnh Gù cột sống

Bệnh Gù cột sống xảy ra khi đốt sống ở phần lưng trên ngày càng biến dạng thành hình chữ V. Nguyên nhân chính gây ra dị tật này, bao gồm:

  • Loãng xương: Là hiện tượng xương mỏng đi khiến đốt sống bị nghiền. Hiện tượng này phổ biến nhất ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ và ở những người dùng corticosteroid liều cao trong thời gian dài.
  • Thoái hóa đĩa đệm: Là hiện tượng các đĩa đệm dần dần bị hao mòn, suy giảm chức năng hoạt động do quá trình lão hóa của cơ thể. Lúc này, các đĩa đệm trào ra ngoài vỏ sụn, lệch khỏi vị trí chèn đệm giữa các đốt xương sống.
  • Do bệnh Scheuermann (hay còn gọi là gù cột sống Scheuermann), là biến dạng gù cột sống do ít nhất 3 đốt sống liên tiếp có góc gù thân đốt ≥ 5 độ gây nên. Bệnh khởi phát âm thầm bắt đầu từ 4-8 tuổi và tiến triển nhanh ở tuổi dậy thì.
  • Do dị tật bẩm sinh. 
  • Do các hội chứng Marfan hoặc bệnh Prader-Willi.
  • Do ung thư và điều trị ung thư ở cột sống có thể làm suy yếu đốt sống.

gù cột sống

Triệu chứng bệnh Gù cột sống

Các triệu chứng phổ biến của bệnh Gù cột sống là:

  • Khi đi có tư thế khom về phía trước, giống như bệnh nhân cúi gập người về phía trước;
  • Có hiện tượng đau lưng ngày càng nặng;
  • Chiều cao bị giảm;
  • Có cảm giác mệt mỏi;
  • Khó đứng thẳng, đặc biệt thời điểm cuối ngày.

Đối tượng nguy cơ bệnh Gù cột sống 

Bệnh gù cột sống có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Tuy nhiên, hiện tượng gù cột sống phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi. 

Bên cạnh đó, các yếu tố sau làm tăng nguy cơ bị gù cột sống như: loãng xương, mật độ xương thấp, gia đình có người đã từng bị bệnh này.

gù cột sống

Phòng ngừa bệnh Gù cột sống

Bệnh Gù cột sống thường không thể tránh khỏi khi cơ thể lão hóa dần. Tuy nhiên, vẫn có thể phòng ngừa bệnh gù cột sống. Biện pháp khắc phục hiệu quả nhất như:

  • Giữ tư thế đi đúng;
  • Ngồi đúng tư thể, ngồi thẳng, đảm bảo lưng được hỗ trợ;
  • Hạn chế đeo cặp sách, ba lô hoặc vật nặng có thể gây co kéo cơ lưng và dây chằng; 
  • Thường xuyên tập thể dục để giúp lưng khỏe và linh hoạt. Các môn thể dục lý tưởng cho việc ngăn chặn gù cột sống là bơi lội, chạy bộ, yoga.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Gù cột sống

Phương pháp khám lâm sàng

Thông qua khám lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh Gù cột sống. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ kiểm tra chiều cao và có thể yêu cầu bệnh nhân cúi về phía trước từ thắt lưng để bác sĩ quan sát cột sống từ phía bên hông. Đây là vị trí quan sát có thể phát hiện bệnh Gù cột sống rõ nhất. 

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện một bài kiểm tra về thần kinh để kiểm tra phản xạ và sức cơ của bạn.

gù cột sống

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Khám lâm sàng là bước cơ bản đầu tiên trong việc chẩn đoán bệnh Gù cột sống. Tuy nhiên, nếu cảm thấy cần thiết, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như sau:

  • Chụp X-quang.  Thông qua chụp X-quang, bác sĩ sẽ xác định mức độ cong và có thể phát hiện dị tật của đốt sống, giúp xác định loại gù cột sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Nếu cần chi tiết hơn, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT scan. Đây là hình thức chụp hình ảnh X-quang từ nhiều góc độ khác nhau và sau đó kết hợp chúng để tạo thành hình ảnh cắt ngang của cấu trúc nội bộ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu bác sĩ nghi ngờ một khối u hoặc nhiễm trùng, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI cột sống. MRI sử dụng sóng radio và một từ trường rất mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của cả xương và các mô mềm xung quanh.

Kiểm tra thần kinh khi có biểu hiện tê bì hoặc yếu cơ

Trong trường hợp bị tê bì hoặc yếu cơ, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm để kiểm tra các xung thần kinh dẫn truyền giữa tủy sống và tứ chi của bạn.

gù cột sống

Các biện pháp điều trị bệnh Gù cột sống

Tùy vào nguyên nhân và những triệu chứng, có thể xác định biện pháp điều trị phù hợp. 

Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp

  • Để điều trị bệnh Gù cột sống, trước hết bạn nên có chế độ sinh hoạt phù hợp, tập thể dục thường xuyên; tránh đi trong tư thế buông thõng vai; ngồi đúng tư thế và tránh đeo vật nặng. 
  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D.
  • Đeo khung. Những trẻ em mắc bệnh Scheuermann có thể ngăn chặn sự tiến triển của gù cột sống bằng cách đeo khung chằng cơ thể trong khi xương của chúng vẫn đang phát triển.

Sử dụng thuốc

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc loãng xương. Ở nhiều người già, gù cột sống là dấu hiệu đầu tiên của loãng xương. Thuốc tăng cường xương có thể giúp ngăn ngừa rạn nứt xương cột sống là nguyên nhân làm tình trạng gù cột sống nặng hơn.

Trị liệu

Một số loại gù cột sống có thể được hỗ trợ bởi các phương pháp trị liệu như:

  • Các bài tập kéo giãn có thể cải thiện tính linh hoạt của cột sống và giảm đau lưng. 
  • Các bài tập tăng sức cơ bụng có thể giúp cải thiện tư thế.

gù cột sống

Phẫu thuật và các thủ thuật khác

Nếu độ cong cột sống rất nghiêm trọng gây co kéo tuỷ sống hoặc rễ thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để giảm độ cong

Gù cột sống có nhiều loại và được chữa trị bằng nhiều cách khác nhau. Bạn nên đi thăm khám để có hương hướng điều trị thích hợp nhất.