Cây Đa Lông – Đặc điểm và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này

Cây đa lông được trồng phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, ít ai biết loại cây này lại là một dược liệu quý, giúp điều trị các bệnh như viêm mũi xoang, vàng da, sỏi thận…hiệu quả.

Cây Đa Lông

Mô tả cây đa lông

Cây đa lông thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), có gọi khác là song hạch, đa hạch, cây sung nhân. Tên gọi khoa học của đa lông là Ficus drupacea Thunb.

Đặc điểm thực vật 

Đa lông thuộc loại thân gỗ lâu năm. Thân cây cao khoảng 15-20m. Cành cây to. Khi cành non có lông dài bao phủ sau đó lớp lông này biến mất, lớp vỏ ngoài trở nên nhẵn nhụi. Toàn cây chứa nhựa lỏng màu trắng.

Lá cây hình bầu dục, dài khoảng 5-12cm và rộng khoảng 3-6cm. Các lá còn non có lông, lá già nhẵn nhụi. Lá kèm dài 1cm, phủ nhiều lông tơ màu vàng.

Hoa có màu trắng bên ngoài, đỏ hồng ở giữa. Hoa đa lông thường mọc đơn độc trên các cành nhỏ. Một số mọc thành đôi ngay nách lá, hình trứng dài 15-17mm, rộng 15mm. Hoa thường nở vào tháng 4, tháng 5 hàng năm.

cây đa lông

Phân bố 

Cây đa lông được trồng ở một số nước như Myanma, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Úc, Campuchia.

Ở Việt Nam, đa lông mọc hoang nhiều ở các vùng rừng núi hoặc được trồng phổ biến để lấy bóng mát, làm cảnh. Một số tỉnh thành có đa lông như: Vũng Tàu, Hòa Bình hay tỉnh Quảng Trị…

Bộ phận sử dụng:

Tua rễ, lá, vỏ thân và búp non. 

Thu hái – Sơ chế 

Các bộ phận của đa lông có thể thu hái quanh năm. Sau khi thu hái, cần chà nhẹ lá để rụng hết lông, có thể dùng dạng khô hoặc tươi.

Thành phần hóa học 

Hiện chưa có tài liệu nghiên cứu chính thức về các thành phần hóa học có trong đa lông.

Vị thuốc cây đa lông 

  • Tính vị: Tính mát, vị nhạt.
  • Tác dụng dược lý: Theo y học cổ truyền, đa lông có tác dụng lợi tiểu, làm tăng tiết mồ hôi, hạ sốt, giảm phù thũng. Tua rễ (cả vỏ lẫn lõi) được dùng trị phù nề cổ trướng do xơ gan; nó làm tăng bài tiết nước tiểu, làm hết hoặc giảm phù nề cổ trướng. Vỏ cây dùng trị đau bao tử, thường dùng sao vàng, sắc nước uống.
  • Liều lượng: Sử dụng đa lông trong điều trị bệnh cần chú ý, liều càng cao có tác dụng càng mạnh; dạng bột có tác dụng hơn dạng nước sắc. Bài thuốc từ đa lông được sử dụng theo dạng thuốc sắc hoặc tán bột uống. Liều lượng sử dụng phụ thuộc vào từng loại bệnh.

cây đa lông 

Bài thuốc chữa bệnh từ cây đa lông 

Điều trị sốt rét

  • Nguyên liệu: Lá đa lông, lá cối xay mỗi loại 30g
  • Cách thực hiện: Thái nhỏ lá đa lông và lá cối xay, bỏ vào chảo sao vàng rồi sắc uống.

Điều trị vàng da

  • Nguyên liệu: 160g lá đa lông, 160g hoắc hương núi, 40g thần khúc.
  • Cách thực hiện: Lá đa lông rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng sắc lấy nước đặc. Các vị còn lại đem sấy khô, sao trên chảo nóng cho giòn rồi tán bột uống với nước sắc trên.
  • Liều dùng: 
  • Người lớn: 1 thìa cafe bột thuốc uống 3-5 lần/ ngày. 
  • Trẻ em uống liều ít hơn tùy theo độ tuổi của bé.

Điều trị sỏi thận

  • Nguyên liệu: Rễ cây đa lông, lá mít mật, rễ bạch mao, mã đề, cây bông bạc. Mỗi loại sử dụng một lượng bằng nhau.
  • Cách thực hiện: Dùng tất cả các nguyên liệu trên sắc nước uống.

Điều trị bệnh đau dạ dày

  • Nguyên liệu: Vỏ cây đa lông
  • Cách thực hiện: Vỏ thân cây phơi khô, sao vàng. Sắc lấy nước đặc uống hàng ngày.

Chữa ho ra máu 

  • Nguyên liệu: 20 gr búp đa lông, mạch môn 20g, cỏ nhọ nồi 15g
  • Cách thực hiện: Búp đa lông sao cháy, mạch môn sao vàng, cỏ nhọ nhồi để tươi. Tất cả thái nhỏ sắc với 400ml nước. Đun đến khi cạn còn 100ml nước thì tắt bếp, uống làm 2 lần trong ngày sau bữa ăn.

cây đa lông 

Điều trị bệnh viêm xoang, viêm mũi, nhức đầu, chảy nhiều nước mũi trong

  • Nguyên liệu: 20g búp đa lông, 20g thương nhĩ tử, 40g rễ cây dâu, 15g cẩu vĩ trùng
  • Cách thực hiện: Búp lá đa lông và cẩu vĩ trùng sao vàng. Thương nhĩ tử và rễ cây râu để tươi. Sắc mỗi ngày 1 thang chia làm 2 -3 lần uống. Uống sau khi ăn.

Chữa bí tiểu, tiểu tiện ra dưỡng chấp

  • Nguyên liệu: 20g tua rễ cây đa lông, 15g cây thủy long, 15g tì giải
  • Cách thực hiện: Dùng tất cả dược liệu trên sắc thành thuốc uống mỗi ngày 1 thang.

Điều trị phù nề cổ trướng cho các trường hợp bị xơ gan

  • Nguyên liệu: Rễ cây đa lông
  • Cách thực hiện: Tua rễ đa lông rửa sạch, cắt khúc ngắn phơi khô. Tán bột mịn hoặc sắc uống hàng ngày theo liều lượng được thầy thuốc chỉ định.

Trị chứng phù thũng

  • Nguyên liệu: Lá cây đa lông, rễ tất bát, xa tiền, rễ cà vạnh, rễ cây quýt gai, rễ cây sưng (hoàng lực). Mỗi loại 10-30g.
  • Cách thực hiện: Tất cả dược liệu trên thái nhỏ, phơi 2- 3 nắng cho khô. Bỏ vào ấm sắc uống 2 lần, mỗi ngày dùng 1 thang.

Điều trị cảm cúm, cảm sốt

  • Nguyên liệu: 12-20g Lá đa lông, tua rễ đa lông
  • Cách thực hiện: Lá đa lông và tua rễ đa lông sắc thành thuốc uống giúp trị cảm cúm, cảm sốt hiệu quả.

cây đa lông 

Cây đa lông chính là bài thuốc quý chữa nhiều bệnh lại không khó tìm. Hãy tận dụng nguồn nguyên liệu này vừa để làm đẹp không gian lại có thể chữa bệnh nhé!